Trước nhu cầu ngày càng cao của người Việt về chất lượng không gian sống, giờ đây, nhà ở không chỉ còn là “cái vỏ” mà còn là nơi tận hưởng cuộc sống, tái tạo năng lượng. Chính vì vậy, các yếu tố về sống tiện lợi – sống thông minh ngày càng được chú trọng nhiều hơn trong thiết kế, xây dựng các công trình nhà ở tại Việt Nam hiện nay.
Không gian sống tiện lợi là không gian đáp ứng được nhu cầu thiết thực và đa dạng của con người, bao gồm sự sắp đặt không gian, thiết kế nội thất, tạo sự thoải mái và thân thiện, tiện nghi, ấm cúng cho người sử dụng.
Tuy nhiên, thực tế hầu hết không gian sống của người Việt hiện nay có diện tích khá nhỏ, khả năng biến đổi không gian, thông thoáng cũng như đáp ứng các vấn đề về tiện nghi của công trình vẫn chưa được giải quyết triệt để. Tình trạng các nhà thiếu sáng, bí bức và không đảm bảo đủ nhu cầu sử dụng của người ở khá phổ biến. Chất lượng sống trong từng thiết kế nhà ở cần có những giải pháp tổ chức không gian nội thất và đồ đạc nội thất phù hợp. Điều này ảnh hưởng bởi 3 phương diện: Chủ đầu tư, chủ nhà và người thiết kế.
Chủ đầu tư là yếu tố ảnh hưởng nhiều đến chất lượng công trình, ngoài ra còn do điều kiện kinh tế, kiến thức và khả năng hiểu rõ về nhu cầu cũng như mong muốn đối với không gian sống của gia chủ khi thiết kế nhà ở. Và hơn cả, ngôi nhà có tiện nghi, đáp ứng mọi nhu cầu của người cần sự sáng tạo và khéo léo về mặt công năng kiến trúc, sự cập nhật thường xuyên trong việc áp dụng các vật liệu khác nhau và xử lý các vấn đề kỹ thuật bản ngữ của người thiết kế, trong đó, sự tham vấn ý kiến người sử dụng là rất quan trọng để có bản thiết kế vừa đẹp, phù hợp với chủ nhà.
Ngày nay, để nâng cao chất lượng không gian sống, không thể thiếu việc áp dụng công nghệ, hay những cách xử lý linh hoạt trong thiết kế, để tạo ra các không gian sống thông minh. Đầu tư công nghệ vào không gian sống thông minh cũng đang trở thành xu thế mới trong thời kỳ 4.0, giúp con người tiếp cận ứng dụng công nghệ thông tin, nâng tầm cuộc sống tối ưu, hiệu quả.
Tại Việt Nam, khái niệm không gian sống thông minh xuất hiện từ khá lâu nhưng mới gây được chú ý trong khoảng 5 năm trở lại đây, đặc biệt nổi bật ở mô hình nhà thông minh (Smart Home) và đô thị thông minh. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định 950, Phê duyệt đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030, bước đầu đã và đang tiến hành xây dựng nền tảng cơ sở pháp lý phát triển đô thị thông minh.
Việt Nam cũng có tiềm năng không nhỏ trong việc đầu tư công nghệ, phát triển các không gian sống thông minh, tuy nhiên do tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng mức độ phát triển tập trung về nhà ở còn ở quy mô nhỏ và phạm vi phân tán, nên còn gặp nhiều khó khăn. Việc tập trung quá đông dân cư, khu đô thị tại các thành phố lớn dẫn tới quá tải về cơ sở vật chất, hạ tầng và ảnh hưởng tới tính bền vững của đô thị. Trong khi, việc đưa lối sống tiện nghi, thông minh, hiện đại vẫn phải phụ thuộc nhiều vào cơ sở vật chất.
Tạo ra không gian sống thông minh, trước hết mỗi công trình phải đáp ứng đủ các yếu tố “cần”, mang đến sự thông minh cơ bản: từ khâu thiết kế, xây dựng phải được tính toán cẩn thận, không những cần thích ứng tốt với điều kiện tự nhiên, khí hậu, có chỗ để áp dụng công nghệ mà phải ước tính được hiệu quả khi vận dụng phần mềm công nghệ và chi phí. Rõ ràng, cốt lõi của không gian sống thông minh lấy con người làm chủ thể. Vì vậy, để xây dựng được không gian sống thoải mái, tiện nghi nhất, con người cần thay đổi và thích ứng linh hoạt, làm chủ được công nghệ, trở thành nền tảng vững chắc. Các giải pháp nhà ở thông minh, tiện nghi cần nghiên cứu kỹ lưỡng về tính thực tiễn, khả thi cao; phù hợp với khả năng tài chính, kỹ thuật, văn hóa, luật pháp, văn hóa của người Việt Nam. Và câu hỏi đặt ra là liệu, người dân có sẵn sàng đầu tư vào công nghệ, đầu tư vào mức sống và các nhà thiết kế, kiến trúc sư có sẵn sàng sáng tạo và thay đổi để người dân nào cũng có thể sống trong không gian thông minh?
Để mọi không gian tại Việt Nam tiến dần đến sự tiện nghi, chất lượng, trước hết cần đến sự quan tâm thích đáng và chiến lược sáng tạo của những người làm kiến trúc, xây dựng – Nhân tố trực tiếp kiến tạo nên những ngôi nhà và tổ ấm cho người dân. Đồng hành cùng các KTS trong việc nâng cao chất lượng sống tại Việt Nam, từ năm 2016, LIXIL Việt Nam, dưới sự bảo trợ của Hội KTS Việt Nam, Hội KTS TP. Hồ Chí Minh và được sự hỗ trợ truyền thông bởi các cơ quan truyền thông đầu ngành như: Kiến Việt, Tạp chí Kiến trúc, Tạp chí Nhà Đẹp… đã khởi xướng Architecture Leader Perspective (ALP). Thông qua các hoạt động kết nối, tương tác, nghiên cứu chuyên sâu, ALP mong muốn sẽ xây dựng một nền tảng chung để các công ty kiến trúc, kiến trúc sư, chủ đầu tư, chuyên gia trong ngành Kiến trúc – Xây dựng cùng hợp tác đem tới giải pháp, đề xuất giải quyết các vấn đề trong thực tiễn môi trường xây dựng tại Việt Nam.
Tiếp nối thành công từ các năm trước, năm nay, Architecture Leader Perspective (ALP) 2021 – 2022 có chủ đề “Tương lai không gian sống Việt Nam”. Chương trình tập hợp các kiến trúc sư hành nghề, các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế, nhà đầu tư, người làm chính sách, người tiêu dùng quan tâm để trao đổi thông tin và tìm ra những giải pháp hữu hiệu, thực tế về mặt kiến trúc, cảnh quan, nội thất, công nghệ,… giải quyết các vấn đề còn tồn tại liên quan đến chất lượng không gian sống, hướng đến tương lai không gian sống tối ưu cho người Việt.
Chia sẻ về chủ đề của ALP năm nay, ông Nguyễn Tristan Chinh, Giám đốc Điều hành Kinh doanh toàn quốc, công ty LIXIL Việt Nam cho biết: “Mục tiêu chương trình ALP đặt ra là các giải pháp mang tính thực tiễn, khả thi cao; phù hợp với khả năng tài chính, kỹ thuật, văn hoá, luật pháp, văn hoá của người Việt. Chương trình sẽ triển khai phát triển và kết nối cộng đồng Kiến trúc – Thiết kế trên quy mô toàn quốc thông qua những hoạt động đa dạng như: Toạ đàm, nghiên cứu lý luận, thực nghiệm… nhằm định hình hướng đi và tìm ra giải pháp phù hợp.”
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 01-2022)